Tủ đông là thiết bị bảo quản thực phẩm lý tưởng của mỗi gia đình, hoặc các cửa hàng nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng tủ đông có thể bị nóng, vậy nguyên nhân là gì và cách khắc phục như thế nào?
Nguyên nhân tủ đông bị nóng?
Người dùng thường gặp phải tình trạng tủ đông bị nóng ở hai bên hông tủ và cho rằng tủ bị lỗi, nhưng thực tế không phải như vậy. Do dàn nóng của tủ đông được lắp ở hai bên hông tủ nên khi tủ hoạt động, chất làm lạnh sẽ lưu thông trong đường ống dẫn ở hai bên hông và tỏa nhiệt ra bên ngoài tạo ra hiện tượng tủ nóng lên. Vì vậy, khi bạn mua tủ về và sử dụng một thời gian thấy tủ nóng ở hai bên hông là điều bình thường.
Nếu bạn thấy hai bên hông tủ mát thì lúc này máy nén đang ở chế độ nghỉ, khi máy nén hoạt động lại, tủ sẽ dần nóng lên ở hai bên hông. Ngoài ra, vào mùa hè, thời tiết nóng hơn bình thường, máy nén sẽ phải hoạt động lâu hơn để làm lạnh nên tủ sẽ nóng hơn những lúc khác.
Cách khắc phục tình trạng tủ đông bị nóng
Mặc dù việc tủ đông bị nóng là điều bình thường, nhưng để hạn chế tình trạng tủ quá nóng, người dùng nên lưu ý một số điều như sau:
– Đặt tủ ở vị trí mát mẻ, không bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào, nhằm hạn chế tình trạng gây nóng tủ và nóng luôn dàn lạnh, làm tiêu hao nhiều điện năng.
– Người dùng nên chú ý không đặt tủ đông ở nơi gần bếp hay nấu ăn hoặc các thiết bị tỏa nhiều nhiệt khác.
– Bạn không nên để tủ lạnh sát vách tường, tốt nhất là cách tường khoảng 10cm hoặc kê các vật dụng khác áp sát hai bên hông tủ, để tủ có khoảng cách với các vật dụng xung quanh, đủ chỗ trống cho hơi nóng của tủ lưu thông ra ngoài.
– Nhằm tránh tình trạng tủ phải hoạt động quá công suất để làm lạnh thực phẩm dẫn đến tủ bị nóng, người dùng lưu ý không mở cửa tủ quá nhiều lần, không để thức ăn còn nóng vào tủ, không để lượng thực phẩm quá nhiều trong tủ.
– Sau 2 tuần, bạn nên cho tủ đông nghỉ ngơi khoảng 15 – 30 phút bằng cách vặn nút chỉnh nhiệt về vị trí OFF. Sau đó, bạn cho tủ chạy lại bình thường.
Mẹo sử dụng tủ đông tiết kiệm điện
– Không mở cửa tủ quá thường xuyên, đặc biệt khi thời tiết nóng và ẩm. Một khi bạn đã mở cửa thì cố gắng đóng lại càng sớm, để tránh gây mất hơi lạnh và lãng phí điện năng.
– Lớp tuyết sẽ giảm hiệu suất làm mát và làm tủ tiêu thụ điện năng nhiều, vì vậy khi lớp tuyết dày 3-5 mm thì tiến hành rã đông.
– Không nên lót thùng chứa của tủ bằng màng nhôm, giấy nến hoặc khăn giấy. Lớp lót sẽ cản trở quá trình lưu thông không khí lạnh, làm giảm hiệu suất của thiết bị.